Từ đường cao tốc Lào Cai - Nội Bài, xe chúng tôi rẽ xuống nút giao IC16 Bảo Hà, bắt vào quốc lộ 279, vừa mở rộng và láng nhựa, con đường mới sáng lên trong nắng sớm, xuyên qua những cánh rừng trẩu, mỡ, bồ đề xanh mướt làng Lúc, Tắp, Bông, Múi, Mạ của người dân tộc Tày, người dân tộc Dao, với những mái nhà sàn thân thuộc chen lẫn những ngôi nhà xây cao tầng, hiện đại như phố thị, kết quả của bàn tay và khối óc, chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn mới ở vùng đèo núi heo hút, hiểm trở nhất huyện Bảo Yên.

Đèo "yên ngựa" huyền thoại

Con đèo Yên Sơn độc đạo hệt như chiếc yên ngựa nối vùng đất Bảo Hà với Yên Sơn, Phố Ràng mà đỉnh của chiếc yên ngựa bây giờ là bản Múi 3, gồm 58 nóc nhà đồng bào H’Mông, Dao đã bao năm kiên cường bám trụ nơi "nắng lửa, mưa chan" ở độ cao hơn 600 m so với mực nước biển. Buổi trưa cuối tháng Ba, nắng tưng bừng chiếu rọi mà đứng ở đỉnh đèo Mã Yên Sơn, mây cuồn cuộn bay như sóng, táp vào mặt lạnh buốt, gió giật từng cơn như muốn bứt tung tất cả. Bí thư Chi bộ bản Múi 3 Ðặng Văn Thắng, người dân tộc Dao chia sẻ: Ở đây, đất đai trơ cằn, dốc cao khe sâu, khí hậu khắc nghiệt, nên những năm 80 của thế kỷ trước mới có vài hộ người H’Mông ở bên huyện Bắc Hà đến khai phá, định cư, rồi đông dần lên. Năm 2016 mới lập tên bản mới Múi 3, ở ngay chính giữa đỉnh đèo bốn mùa mây phủ này.

Nhớ lúc ở chân đèo phía Yên Sơn, già làng Hoàng Văn Ðại, 97 tuổi, kể rằng vùng này có câu "cọp Bảo Hà, ma Trái Hút", ấy là nói về những năm thực dân Pháp mở đường sắt Việt-Ðiền, nối từ Hải Phòng - Hà Nội đến Côn Minh (Trung Quốc), dài 854 km, biết bao phu phen đã bỏ mạng ở vùng Bảo Hà, Trái Hút vì "lam sơn chướng khí" nghìn trùng, vì sốt rét rừng, rồi gấu tha, cọp bắt. Ông lý giải rằng, quanh đèo Mã Yên Sơn là nơi sinh sống của loài hổ, bởi rừng rậm, suối sâu hoang vu, ít dấu chân người. Cũng chính ở hai đầu con đèo hình yên ngựa Mã Yên Sơn, ngày trước thực dân Pháp đã xây đồn bốt kiên cố ở bản Mạ, ở Bảo Hà liên thông với hệ thống đồn Phố Ràng, Phố Lu để khống chế cả một vùng biên giới Tây Bắc rộng lớn. Ðể khai thông biên giới, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, năm 1950, bộ đội ta mở chiến dịch Biên giới thu đông và Lê Hồng Phong, với những trận công đồn Phố Ràng, Phố Lu, Yên Sơn thắng lợi, đập tan hệ thống đồn bốt của giặc Pháp, mở toang cánh cửa biên giới, làm tiền đề cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng.

Già làng Ðại vẫn nhớ như in, ngày ấy ông cùng mấy chục trai làng, đủ cả người Tày, người Dao, người Thái ở Yên Sơn, Bảo Hà đang sức trẻ đã xung phong làm dân công hỏa tuyến, ngày đêm thồ gạo, tải đạn, phát rừng mở đường, bảo đảm hậu cần cho bộ đội ta chiến đấu và chiến thắng Ðiện Biên Phủ lừng lẫy năm châu. "Chúng tôi thồ bằng xe đạp và gánh gạo, thực phẩm sấy khô qua đèo Mã Yên Sơn dốc đứng, rậm rịt gai rừng, tự mở lối mà đi; vượt qua cổng trời Khau Co sang đất Lai Châu, rồi từ đó qua Sơn La đến Ðiện Biên. Mỗi chuyến ròng rã hàng tháng trời; đói thì ăn rau tàu bay, củ nâu, măng rừng tuyệt không hao hụt một chén gạo, lạng thịt. Mấy chục năm rồi mà như mới hôm qua thôi..."- già làng Ðại hồi tưởng. Ðứng trên đỉnh đèo, giữa trưa, gió ràn rạt thổi như muốn ném những cụm mây trắng lơ lửng khắp trên đèo Yên Sơn, lật tung những cánh rừng trẩu xanh ngút ngát tầm mắt, phía dưới là ruộng đồng với những nếp nhà sàn người Tày, những hàng cọ xòe ô xanh đón nắng, cuộc sống nơi đây thật bình yên, no ấm.

Mùa hoa trẩu trên Mã Yên Sơn -0

Bản làng người Tày ở Mã Yên Sơn. 

Chắt chiu mật ngọt cho đời

Xe mới chớm chân đèo phía Bảo Hà, ở đầu bản Lúc 1, thương binh hạng 2/4 Phạm Thanh Xuân dáng người nhỏ nhắn, tay áo cụt vắt gọn sang bên, nhanh nhẹn đưa chúng tôi tham quan Công ty TNHH phát triển ong miền núi Thanh Xuân, do ông làm giám đốc và vợ, con trai, con gái, con dâu đảm nhiệm các khâu quản lý và kỹ thuật. Công ty gia đình của ông Xuân, thành lập năm 1995, mỗi năm trung bình bán ra thị trường từ 20-30 tấn mật ong chất lượng cao và các sản phẩm sữa ong chúa, phấn hoa...; doanh thu hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Câu chuyện khởi nghiệp từ con ong, từ ươm giống cây và trồng rừng của ông Xuân cũng là quá trình vượt lên, học tập và tỏa sáng lời dạy của Bác Hồ "thương binh tàn nhưng không phế", tô đẹp thêm phẩm chất của người lính Cụ Hồ.

Nhập ngũ làm lính thông tin, trong một trận đánh ác liệt tại thị xã Kon Tum, người lính Phạm Thanh Xuân bị sức ép và mảnh pháo giặc cướp đi thị lực của đôi mắt, tay trái bị cụt đến khuỷu, nhiều mảnh đạn pháo găm khắp cơ thể. Sau thời gian điều dưỡng, người thương binh trở về làng, gia cảnh lúc ấy chỉ có căn nhà tranh cũ nát, vợ yếu, con nhỏ. Từng đối mặt với bao gian khổ ác liệt, bao đồng chí, đồng đội đã hy sinh để đất nước thanh bình, chẳng lẽ lại khoanh tay cam chịu nghèo đói? Nhìn những cánh rừng bạt ngàn, đủ các loài hoa lạ, nghĩ đến những chú ong cần mẫn làm mật ngọt cho đời, ông Xuân cơm nắm trong túi, bi-đông nước đeo bên mình, lặn lội khắp các thôn, bản vùng rừng núi Bảo Yên, Văn Bàn mua gom những đàn ong lẻ của người dân bắt được để khởi nghiệp. Từ những đàn ong bản địa ban đầu tạo vốn và kiến thức, kinh nghiệm ấy, ông Xuân mày mò một mình vào miền nam mua 80 đàn ong ngoại, đưa về vùng núi Bảo Hà. Rồi lại tự mình xuống Hà Nội tìm đến Công ty Ong Trung ương tập huấn kỹ thuật, xin tài liệu, cộng với kiến thức đọc từ sách báo ông đã nhân giống ong ngoại thành công lên hơn 600 đàn như hiện nay. Con ong ngoại thân hình to khỏe hơn nên bay xa, có khả năng hút sâu vào trong nhụy hoa, mang được nhiều phấn hoa, vì thế cho năng suất mật cao gấp bốn đến năm lần ong bản địa, chất lượng mật tốt hơn. Ngoài thực hiện quy trình chăm sóc ong ngặt nghèo, ông đầu tư máy quay ly tâm, nâng cao chất lượng mật ong bảo đảm 100% không pha trộn. Cầm chai mật ong trên tay, ông bảo "Mình đăng ký thương hiệu bản quyền với hình thức in ảnh mình lên logo sản phẩm, để hằng ngày nhắc nhở bản thân giữ chữ tín với đồng đội, với người tiêu dùng". Một cách làm rất lính, độc đáo và ấn tượng. Mật ong rừng của người lính Phạm Thanh Xuân được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao giải thưởng chất lượng vàng, là sản phẩm OCOP ba sao của tỉnh Lào Cai, được người tiêu dùng tín nhiệm.

Ði dưới tán rừng trẩu xanh dày mới thấy sức sống mãnh liệt của loài cây này trên vùng đất khắc nghiệt Mã Yên Sơn. Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Bảo Yên Phạm Hồng Thái ví cây trẩu giống như cây tre, thương người Yên Sơn trên đất dốc khô cằn, nắng mưa quay quắt. Cây trẩu dễ sống, lớn nhanh, chịu được hạn hán, nhất là chịu được rét lạnh ở vùng cao. Khả năng quang hợp của trẩu rất cao nên không cần phân bón. Trong 3 năm đầu, mỗi năm chỉ cần 2 lần phát cỏ là cây phát triển tốt, rất nhanh thành rừng. Sau 5 năm, có thể thu hoạch quả lấy hạt, 7 năm là thu được gỗ, tạo thu nhập ổn định cho người trồng rừng. Cây trẩu đa tác dụng, gỗ làm nguyên liệu dùng trong công nghiệp và sản xuất nấm; hạt dùng trong công nghiệp sơn, chất dẻo, da nhân tạo và thuốc chữa bệnh. "Trẩu "thương người" nên rất "mắn", tháng Ba, tháng Tư, ra hoa trước khi lá non xuất hiện, rồi tháng Chín lại có một vụ hoa nữa. Quả của lứa hoa trước chín vào khoảng tháng 10, vì thế có thể nhặt quả bán quanh năm", anh Thái tâm sự. Toàn huyện Bảo Yên hiện có gần 4.000 ha trẩu, vừa phủ xanh giữ sinh thủy vừa cho khai thác hạt, gỗ giúp người dân xóa nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.

Nói đến cây trẩu, cả vùng Mã Yên Sơn đều biết tiếng vợ chồng anh Nguyễn Văn Hòa, ở bản Tắp. Chúng tôi đến nhà anh Hòa khi đã cuối chiều, vợ chồng anh vẫn đang bận rộn kiểm đếm, xếp cây trẩu giống cho người dân trồng vụ xuân này. Ngoài chọn hạt tốt để cung ứng giống, vợ chồng anh Hòa thu mua trung bình mỗi năm chừng 20 tấn quả, với giá 15 nghìn đồng/kg, làm "bà đỡ" cho người dân trong vùng tích cực trồng rừng, giữ mầu xanh cho quê hương. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Sơn Hoàng Văn Cương đưa chúng tôi đến nhà ông Phùng Thế Tài, ở bản Yên Sơn. Ngay ở chỗ đồn Yên Sơn, của Pháp bị hạ năm xưa, giờ là xưởng ván bóc công nghiệp. Mỗi năm ông Tài mua của nông dân 3.000 m3 gỗ trẩu và các loại, sơ chế nguyên liệu xuất khẩu, bảo đảm đầu ra ổn định cho hàng trăm hộ trồng rừng ở hai đầu con đèo hình yên ngựa. Xưởng bóc ván của ông Tài giải quyết việc làm cho 40 lao động, với mức lương 10-12 triệu đồng/tháng.

Bí thư Ðảng ủy xã Yên Sơn, Long Trọng Nhiên khoe rằng, tỷ lệ che phủ rừng tại xã đạt 67%, cao nhất toàn huyện Bảo Yên, trong đó có 130 ha cây trẩu. Xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2015, đang tiếp tục duy trì và nâng cao hơn, Bí thư Ðảng ủy xã Bảo Hà, Hoàng Quốc Hùng khẳng định quyết tâm của địa phương về đích nông thôn mới trong năm nay. Mã Yên Sơn, con đèo huyền thoại hình chiếc yên ngựa với những rừng trẩu xanh bạt ngàn, đang tỏa hương, dâng mật ngọt cho đời ■

Bài và ảnh: QUỐC HỒNG