"Đu trend" và cái gốc của hỗn loạn thông tin

Admin

"Trend", một từ tiếng Anh mà có lẽ chúng ta đã quá quen. Nó là "xu hướng", là "thịnh hành" và ở thời đại mạng xã hội này, nó chính là "yếu quyết" của những người sản xuất nội dung trên mạng xã hội. 

  • Mạng xã hội lên ngôi, quyền riêng tư thất trận
  • Văn hóa tranh luận trên mạng xã hội

Hiếm có ai viết nội dung trên mạng xã hội mà không bám vào "trend", bởi nhờ có "trend" thì mới có người đọc, có nhiều "likes", lắm "followers", mau nổi tiếng và dễ kiếm thêm tiền nhờ làm quảng cáo. Và việc bám vào "trend" ấy đã được chính cộng đồng mạng xã hội đặt cho một cái tên rất bắt tai là "đu trend".

Thực tế, "đu trend" chẳng có gì là xấu bởi trước một điểm nóng thông tin, ai cũng có quyền được bàn luận, tham góp ý kiến, đánh giá và nhận định. Quyền cá nhân là thứ không thể bị cấm cản, hay lên án, nhưng khi sự lạm dụng quyền cá nhân để tạo nên những hiệu ứng sai lệch thì lại rất cần phải được tỉnh táo phê phán.

Đặc biệt, khi bắt đầu có tình trạng chính thống hoá các nội dung "đu trend", tức là có những nội dung viết ra đọc rất "vào" nhưng thông tin lại sai lệch và được các tờ báo chính thống đăng lại. Tiếng nói trên mạng xã hội có thể là đơn lẻ, còn tiếng nói trên một tờ báo thì lại hoàn toàn khác.

Một ví dụ khá điển hình là khi xu hướng người dùng rộ lên về bộ phim mới mang tên "Bohemian Rhapsody" về cố danh ca Freddie Mercury của band nhạc Queen thì lập tức có hàng loạt bài viết trên facebook về Freddie Mercury.

Có một bài viết trên facebook dẫn giải rằng, khi đoàn làm phim gặp người bạn thời thanh niên của Freddie Mercury là Mary Austin và muốn hỏi về quan hệ giữa bà và Freddie là gì, Mary Austin chỉ trả lời "OK". Thực tế, cái "OK" mà Mary Austin nói không phải là "OK" thông thường. Bà đã đưa cho người phỏng vấn một cuốn tạp chí, số ra ngày 17/3/2000 mà bà lưu giữ làm kỷ niệm.

Trong số tạp chí ấy, bà đã trả lời phỏng vấn về mối quan hệ giữa mình và Freddie Mercury, lần đầu tiên và duy nhất cho tới nay. Tên của tạp chí ấy là "OK". Hàm ý của Mary Austin là "Hãy đọc tạp chí OK này" chứ không phải là im lặng và chỉ trả lời "OK".

Đó chỉ là một sai lệch thông tin rất nhỏ trong vô vàn sai lệch thông tin mỗi ngày được các "đu trend viên" tung ra trên mạng xã hội. Cái nguy hiểm hơn là mỗi chúng ta, có thể có khả năng về ngôn từ để diễn đạt điều gì đó một cách hấp dẫn, nhưng không  có khả năng hiểu biết hết mọi thứ.

Nhưng "xu hướng" thông tin thì đa dạng, nhiều tầng lớp, nhiều lĩnh vực mà có nhiều lĩnh vực chỉ có chuyên gia thực thụ mới có thể có ý kiến. Song, khi dư luận bắt đầu tin vào cá nhân bằng số đếm trên "likes", "comments" và "followers", nghiễm nhiên họ cho rằng các thông tin mà những người tạo nội dung theo xu hướng luôn là chuẩn mực.

Từ đó, chuẩn mực xã hội ngày càng lệch chuẩn.

Vậy thì nhiệm vụ của người đọc hôm nay đã vất vả hơn rất nhiều. Giữa một rừng xu thế đa chuyên môn, chúng ta cần phải nhận diện rõ ai là chuyên gia, ai là những kẻ xu thời câu lợi không hơn không kém. Không thể đặt niềm tin vào thông tin của những kẻ xu thời câu lợi, bởi mỗi lần chúng ta đặt niềm tin, chia sẻ nó, chúng ta lại tạo cho nó thêm cái vẻ đáng tin đầy nguy hiểm.

Rất may, facebook bắt đầu chuyển hướng, bằng cách tăng cường hỗ trợ cho các câu chuyện cá nhân hơn là các nội dung thông tin xu hướng như đã và đang tồn tại. "More story, less feeds" (nhiều câu chuyện hơn, bớt đưa chuyện lại) là chủ trương của facebook hiện nay. Mỗi người dùng sẽ càng phải cá nhân hoá câu chuyện của họ hơn bởi chính facebook cũng nhận ra rằng, tác động tiêu cực của những kẻ xu thời đu "trend" là kinh khủng đến mức nào.